Lượt xem: 1535

Nhận diện và đấu tranh ngăn chặn, phản bác những thông tin xấu, độc hại, bịa đặt trên Internet và mạng xã hội trong tình hình hiện nay

Các thế lực thù địch không bỏ qua bất kỳ thủ đoạn nào để can thiệp vào công việc nội bộ của Đảng, Nhà nước ta hòng chống phá sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Một trong những thủ đoạn đó là tung lên Internet và mạng xã hội những thông tin xấu, độc hại, xuyên tạc tình hình Việt Nam, nhất là vào những thời điểm diễn ra các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa quan trọng của đất nước, gây hoang mang trong dư luận, làm ảnh hưởng lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước. Từ thực tạng đó đòi hỏi các cơ quan chức năng phải tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm.

    Sự phát triển mạnh mẽ của internet, mạng xã hội đã mang đến cho người đọc nhiều lợi ích, nhưng cũng để lại nhiều hệ lụy nguy hiểm, đó là nạn tin giả, bịa đặt, vu cáo, chống phá công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngay trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, thời gian qua cũng liên tục xuất hiện một số cá nhân đăng tải, chia sẻ, bình luận trên mạng xã hội, nhất là Facebook, Youtube, những thông tin phiến diện, thiếu chính xác, chưa được kiểm chứng, hoặc thông tin một chiều, thông tin về những vụ việc đang trong quá trình điều tra, xác minh,… Từ những thông tin đó đã dẫn đến phản ứng trái chiều trong dư luận, tạo cơ hội cho kẻ xấu, cơ hội chính trị và các thế lực thù địch, phản động tuyên truyền xuyên tạc, gây mất ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội tại một số địa bàn trong tỉnh.


Ra mắt Trang tin điện tử Đảng bộ tỉnh góp phần định hướng dư luận xã hội, tuyên truyền chống lại thông tin xấu, độc, bịa đặt, xuyên tạc của các thế lực thù địch - ảnh TP

    Những loại thông tin xấu, độc như nói trên rất đa dạng về nội dung và tính chất, song, qua theo dõi, có thể nhận diện gồm những dạng chủ yếu sau đây:

    Thứ nhất, đó là những thông tin bịa đặt, xuyên tạc, bóp méo sự thật, làm lẫn lộn đúng - sai, thật - giả hoặc có một phần sự thật nhưng đưa tin với dụng ý xấu, phân tích theo kiểu quy chụp, suy diễn bằng luận điệu hận thù, hằn học, phản văn hóa.

    Thứ hai, đó là những thông tin sai trái có tính chất chính trị như: Chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng hòng phủ định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phủ nhận đường lối, thành tựu đổi mới, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta…; xuyên tạc lịch sử dân tộc, nhất là lịch sử các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc; xuyên tạc thân thế, sự nghiệp, công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam; vu cáo, bôi nhọ, giả mạo các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, tướng lĩnh lực lượng vũ trang…

    Thứ ba, đó là những thông tin kích động xu hướng ly khai, kêu gọi xuống đường biểu tình; phá hoại an ninh trật tự, phá hoại sự thống nhất toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, dân tộc, gây chia rẽ đoàn kết giữa các dân tộc, các tôn giáo, đoàn kết nội bộ, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

    Thứ tư, đó là những thông tin có nội dung không phù hợp với chuẩn mực đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục (như: Kích động bạo lực, thù hận; khuyến khích lối sống cá nhân, ích kỷ, vụ lợi, trụy lạc, nặng về vật chất hơn tình người…); truyền bá các giá trị văn hóa phương Tây,…

    Những dạng thông tin xấu độc nói trên, một mặt, đã tác động tiêu cực đến tình hình tư tưởng, nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức và dư luận xã hội, gây nghi ngờ, hoang mang, dao động, giảm sút lòng tin đối với Đảng, Nhà nước; mặt khác, đã ảnh hưởng đến đạo đức, lối sống, nhân cách của của một bộ phận cá nhân và cộng đồng xã hội. Hệ quả là những chuẩn mực đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc có mặt bị tha hóa; văn hóa dân tộc bị tầm thường hóa, đánh mất bản sắc, đe dọa ổn định chính trị, kinh tế vĩ mô và sức mạnh an ninh, quốc phòng của đất nước.

    Dự báo thời gian tới, các thế lực phản động, thù địch, những phần tử cơ hội, bất mãn chính trị tiếp tục gia tăng các hoạt động tuyên truyền kích động, xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước và sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta một cách quyết liệt hơn, trong đó chúng tập trung vào các vấn đề: (1) Lợi dụng các diễn biến phức tạp trên Biển Đông để kích động chống phá Đảng và Nhà nước; (2) Lợi dụng vấn đề toàn cầu hóa để xuyên tạc, phá hoại đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta; (3) Kích động, cổ vũ khuynh hướng đòi xây dựng “Xã hội dân sự” ở Việt Nam; (4) lợi dụng chủ trương lấy ý kiến nhân dân đóng góp Dự thảo các văn kiện trình Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Đại hội XIII của Đảng để kích động, đòi thực hiện “đa nguyên”, “đa đảng”, thay đổi Cương lĩnh, đường lối phát triển đất nước; xuyên tạc, vu khống những vấn đề liên quan đến nhân sự cấp ủy các cấp,…

    Trong bối cảnh đó, nhưng sự quan tâm, nhận thức của không ít cấp ủy và cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người dân về tính chất nguy hiểm, những nguy cơ bất ổn mà thông tin xấu, độc lan truyền trên mạng xã hội còn khá hạn chế; không ít cán bộ, đảng viên lại chủ quan, mất cảnh giác, thậm chí trên Facebook của một số cán bộ, đảng viên cũng có hiện tượng viết, chia sẻ những thông tin xấu, độc.
Trước tình hình trên, để phòng ngừa, ngăn chặn ảnh hưởng và phản bác có hiệu quả thông tin xấu, độc trên mạng xã hội, cần thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:

    Một là, đẩy mạnh tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao nhận thức và thực hiện nghiêm túc các chủ trương, nghị quyết của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực tư tưởng, báo chí, công nghệ mạng, nhất là Luật An ninh mạng, Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Đây là những chủ trương có ý nghĩa lâu dài nhằm trang bị kiến thức cần thiết để mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người dân thấy rõ tính hai mặt của internet và mạng xã hội; nhận diện các thủ đoạn, nội dung thông tin xấu độc, tính chất nguy hại của nó đối với cá nhân và xã hội. Qua đó giúp mỗi người có thể tự sàng lọc, tiếp nhận thông tin hữu ích, chính thống, đồng thời “miễn dịch” với những thông tin xấu độc làm nhiễu loạn môi trường xã hội.


Tổng kết và trao giải Cuộc thi viết "Tìm hiểu Luật An ninh mạng" do Bộ Công an tổ chức - ảnh C.X.L

    Hai là, mỗi người, trước hết là cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải có ý thức tự giác, chấp hành tốt các quy định về quyền, phạm vi thông tin theo quy định của Luật An ninh mạng. Mỗi cán bộ, đảng viên và từng người dân, khi tiếp cận với những thông tin phát tán trên mạng cần phải tỉnh táo nhận diện đâu là thông tin tốt hay xấu, đâu là thông tin xuyên tạc, bịa đặt. Đồng thời tích cực tham gia tố giác, vạch trần hành vi vi phạm pháp luật, thông báo cho các cơ quan có thẩm quyền để xử lý; đồng thời, cảnh báo đến người dùng mạng xã hội những dạng thông tin xấu, độc, thất thiệt trên các trang mạng xã hội. Không nghe, đọc, xem, chia sẻ những đài, báo, trang mạng, bài viết, Facebook, Youtube,… của những phần tử chống đối, phản động.

    Ba là, các cơ quan nghiệp vụ phải chủ động ứng dụng những phương tiện, thiết bị kỹ thuật hiện đại vào việc phát hiện những trang mạng tán phát thông tin, tài liệu có nội dung xấu, độc, mạo danh, nặc danh, lợi dụng việc góp ý xây dựng dự thảo các văn kiện đại hội Đảng để xuyên tạc, công kích, chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, từ đó, kịp thời đề xuất các biện pháp nhằm phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn và xử lý nghiêm minh đối với những tổ chức, cá nhân lợi dụng Internet, mạng xã hội chống phá nước ta theo pháp luật. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát thông tin trên mạng xã hội, dịch vụ internet, thuê bao di động để phối hợp với các đơn vị công an xử lý nghiêm những hành vi vi phạm quy định việc sử dụng, thiết lập mạng xã hội, phát tán tin xấu độc, tin nhắn rác trên môi trường mạng, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng.

    Bốn là, người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị phải tăng cường quản lý, nắm bắt kịp thời tình hình tư tưởng cán bộ, đảng viên, quần chúng, làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ; đồng thời thường xuyên tìm hiểu, nắm bắt tình hình hoạt động của các đối tượng xấu, “bất hảo” trên địa bàn dân cư, có nội dung giáo dục, định hướng, điều chỉnh nhận thức đúng đắn, kịp thời. Thực hiện nghiêm túc các quy chế, quy định về quản lý tài liệu, không để các ấn phẩm văn hóa độc hại, tài liệu phản động lọt vào nội bộ. Các địa phương, cơ quan, đơn vị phải cụ thể hóa các quy định của Đảng và Nhà nước thành quy chế để quản lý việc sử dụng, trao đổi thông tin trên mạng xã hội của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý.

    Đấu tranh phòng, chống hoạt động lợi dụng internet, mạng xã hội để chống phá Đảng, Nhà nước là công việc khó khăn, phức tạp, lâu dài. Vì vậy, đòi hỏi phải có sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự quản lý của các cơ quan chức năng và sự quyết tâm cao, ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, mỗi tổ chức và cá nhân để đạt được hiệu quả cao nhất, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam nói chung, tỉnh Sóc Trăng nói riêng.
Kiên Trung


Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 37
  • Hôm nay: 6168
  • Trong tuần: 76,875
  • Tất cả: 11,800,195